
Suốt nhiều năm làm nghề, di trú Đào Nguyễn nhận thức rõ rằng loại hồ sơ thuộc trại di trú luôn nghiễm nhiên chiếm một vị trí “khó” và “cực kì đặc biệt” để xin tại ngoại. Bài viết dưới đây tôi xin được kể lại một “kỳ cục án” về hồ sơ ở trại di trú và kiện lên tòa Phúc Thẩm mà tôi vừa thực hiện thành công cách đây vài tháng. Thực sự, chúng tôi – di trú Đào Nguyễn và những cộng sự đều cảm thấy thú vị với án lệ này bởi nhiều tình tiết đặc biệt thú vị đến mức “kỳ cục”, đến nỗi chúng tôi bị quay vòng vòng theo hồ sơ, cũng như độ khó cao độ để giành được chiến thắng bằng cách đấu trí trên giấy mực với tòa Phúc Thẩm.
Đường vào Di Trú có trăm lần đau, có vạn lần sầu
Từ lúc chập chững chọn bước trên con đường học và làm nghề, tôi – người điều hành chính của Di Trú Đào Nguyễn đã xác định gắn bó trọn đời với luật di trú. Thoạt nghe, luật di trú có vẻ dễ dàng đối với một số người vì chỉ phải đối mặt với các hồ sơ visa du lịch hay bảo lãnh vợ chồng thông thường. Tuy nhiên, chính cái giản lược ấy lại trở thành một rào cản lớn khi người làm luật khó bề xoay sở trong các vụ kiện tụng đặc biệt khó khăn.
Vì thế, cứ càng học – càng tìm hiểu – càng làm nghề thì tôi lại cứ như bị cuốn vào lốc “hồ sơ đen” với những tình tiết hấp dẫn, lạ lùng nhưng không kém phần éo le. Đa phần hồ sơ của tôi thì đến 80% là được xét vào diện “hết thuốc chữa” vì hồ sơ đã “nát tan tành” khi đến với tôi. Thân chủ của tôi là những trường hợp như: bị ép phải về nước trong vòng vài ngày, đang bị tạm giam tại trại di trú, và thậm chí… từng ở bất hợp pháp cả chục năm.
Tuy nhiên, trên tất cả, vụ “kì cục án” dưới đây là một diện “khó tổng hợp” bởi di trú Đào Nguyễn không chỉ đối đầu với bộ di Trú, hay tòa án hành chính mà còn cả phía đương đơn, và gia đình của đương đơn.
Đi đêm lắm thì có ngày gặp ma…
Mọi chuyện khởi sự từ cú điện thoại của một người phụ nữ với giọng đầy lo lắng, và khó giấu được sự sợ hãi tột độ. Có thể nói rằng tình hình ở thời điểm ấy đang thực sự rối ren, nhưng cô ấy vẫn cố gắng trình bày một cách rõ ràng nhất có thể:
“Cô nói rằng chồng của cô vừa mới bị bắt vào trại di trú vì đã ở quá hạn visa nhiều năm nay. Mặc dù đã cố gắng sống khép kín và đã đổi chỗ ở nhiều lần nhằm tránh bị Bộ Di Trú phát giác, nhưng ‘đi đêm lắm có ngày gặp ma’. Một ngày trên đường lái xe về nhà, anh ấy bị cảnh sát bất ngờ kiểm tra và phát hiện rằng không có visa, nên bị bắt tạm giam vào trại di trú ở Brisbane để chờ ngày bị trục xuất.”
Cuộc điện thoại chỉ diễn ra ngắn gọn vài phút, nhưng với kinh nghiệm làm việc dày dặn thì tôi biết ngay đây là trường hợp “cần kíp”. Tôi chắc mẩm rằng người trong trại đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp để được xin tại ngoại với tinh thần “ngồi trên đống lửa”. Do vậy, tôi nhanh chóng hỏi thêm vài thông tin cần thiết và trực tiếp liên lạc với anh bạn ấy – người đang bị giam giữ trong trại. Và chỉ tiếp nối vài phút đồng hồ trao đổi sơ bộ, với kinh nghiệm trong nghề, tôi xác định rằng vụ này có mức độ khó không thể tưởng tượng được.
Suy đi xét lại, vụ án này có cơ hội để được tại ngoại là vô cùng mong manh, cũng như ở “kèo dưới” với cấp Di Trú. Nhưng với “tâm nghề” mách bảo rằng tôi nên nhận vụ kiện này vì ba điều: một là người bị giam đang ở trong tình thế “mười phần chết chín”; hai là nhiều luật sư khác quay lưng với họ; và cuối cùng là máu nghề hăng say trong tôi.
Mũi dùi bốn phía thì biết nắm vào đâu?
Có lẽ, trong suốt cuộc đời làm luật thì bất kì ai cũng đều phải đôi lần chạm trán với các vụ kiện có độ khó tưởng “như lên trời”. Tuy nhiên, những người làm nghề chân chính như di Trú Đào Nguyễn nói riêng, và cả cộng đồng luật sư tại Úc nói chung, thì viên gạch cơ bản của thành công chính là sự cộng tác nhiệt tình, trung thực của khách hàng. Thực tế, cá nhân tôi cho rằng chỉ cần khách chịu hợp tác nhịp nhàng trong suốt quá trình kiện tụng, thì dù hồ sơ có phức tạp đến mấy cũng có cách gỡ rối.
Nhưng với hồ sơ của anh chàng này, xem xét kĩ sự tình thì sự việc đã tồi tệ hơn mức tôi có thể tưởng tượng. Tổng quan lại, sự kiện không chỉ gặp khó khăn từ khách quan bên ngoài, mà còn nội tình bên trong bởi cả đương đơn lẫn người hỗ trợ. Và đây là một vụ án ‘kỳ cục’ bởi vì:
1/ Những lời khai thiếu minh mẫn của khách hàng
Đầu tiên khi bị bắt vào trại, anh chàng – được gọi là Phúc (tên thật đã được thay đổi) đã rơi vào tình trạng “nhớ nhớ quên quên”. Anh ấy không khai báo chính xác được họ tên của vợ, địa chỉ cư trú hiện tại, tên con ruột của mình, thậm chí… cũng không biết rằng vợ con đang ở đâu vì đã lâu không chung sống. Tóm lại Phúc không nhớ gì cả. Ban đầu tôi tưởng rằng Phúc khai man, nhưng đâu ngờ, sự thật là Phúc không nhớ thật. Và Phúc chỉ nhớ độc số phone của vợ. Tôi tìm hiểu thông tin đến đấy thôi thì tôi biết được mức độ “căng” của hồ sơ này cũng tầm vài chục trang trong tờ giải trình pháp lý chứ không đùa.
2/ Vợ chẳng đồng lòng, “sớm nắng chiều mưa”
Khó khăn tiếp theo lại đến từ người vợ!!! Vì giữa hai vợ chồng có xích mích trước đó cộng với nội tình khó khăn, cô vợ đã thay đổi ý định “năm lần bảy lượt” khiến đội ngũ di trú Đào Nguyễn bị “quay như chong chóng”. Lúc mưa xấu trời thì cô ấy bảo rằng không muốn lãnh chồng ra nữa, còn lúc nắng đẹp ngày thì lại nài nỉ ỉ ôi về việc tiếp tục giúp đỡ. Chính bởi điều này đã khiến cho quá trình cộng tác đôi lần rơi vào tình thế khó khăn và anh chồng nhiều lần muốn bỏ cuộc. Phải nói rằng, hồ sơ đã khó mà còn bị “hành hạ” như vậy làm tôi cũng có lúc thấy nản. Nhưng với sự nhạy bén của người làm luật, tôi hiểu rằng chỉ duy nhất Phúc có thể hiểu được tâm tư chính xác của người vợ. Nhờ vậy, tôi cũng đỡ phải vất vả khi biết phải vận dụng chiến thuật nào để đối phó với cô vợ “lúc nắng lúc mưa”.
Mời các bạn xem tiếp phần 2 tại đây Ký sự tòa di trú: “Kỳ cục án” (phần 2)

ĐÀO NGUYỄN G.C Australian Migration Law & Practice – Hội viên Viên Di Trú Úc – Hội viên Liên Đoàn Di Trú Úc – Hội viên Hội Đồng Luật Úc Châu